Tồn dư kháng sinh trong thực phẩm - Những cảnh báo cấp thiết

15:15 - 07/09/2022

Vừa qua tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Quản lý, sử dụng chất cấm, hóa chất, kháng sinh thực trạng và giải pháp” do Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực thực phẩm Việt Nam tổ chức. Hội thảo do PGS. TS. Ngô Tiến Hiển, Chủ tịch Hội KHCN Lương thực thực phẩm Việt Nam, TS. Nguyễn mạnh Dũng, Phó Tổng thư ký Hội KHCN Lương thực thực phẩm Việt Nam đồng chủ trì thực hiện.

Hội thảo đã thu hút gần 100 nhà khoa học, quản lý và doanh nghiệp có quan tâm đến lĩnh vực quản lý và sử dụng chất cấm, hóa chất, kháng sinh trong nông nghiệp và thực phẩm.

Đã có các tham luận về các vấn đề lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và an toàn thực phẩm hiện nay như: vấn đề sử dụng chất cấm, hóa chất, kháng sinh,..trong trồng trọt, chăn nuôi, công nghệ sau thu hoạch,… ở nước ta. Trong đó vấn đề kháng kháng sinh ở người đang được dư luận trong nước và quốc tế hết sức quan tâm.

Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Tồn dư kháng sinh trong thực phẩm không chỉ gây hội chứng ngộ độc cho con người mà, về lâu dài, còn gây khó khăn cho công tác điều trị nhiễm khuẩn kháng kháng sinh, làm giảm sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể, gây ung thư hoặc các bệnh nghiêm trọng khác trong gan, thần kinh, hệ tiêu hóa, tim, v.v…

Theo quy định, từ năm 2018 cấm dùng kháng sinh vì mục đích tăng trọng trong chăn nuôi. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay cho thấy có đến 90% số thuốc kháng sinh được bán tại Việt Nam không cần đơn thuốc

Đại biểu tham dự hội thảo rất quan tâm đến các nội dung báo cáo tham luận

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang trở thành vấn đề quan ngại hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó Việt Nam được xếp vào “một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới”

Theo Hội Thú y Việt Nam, cả nước có gần 9.000 sản phẩm thuốc thú y đã được đăng ký lưu hành, trong đó sản xuất trong nước hơn 6.000 sản phẩm (gần 4.000 sản phẩm có chứa hoạt chất kháng sinh), nhập khẩu được phép lưu hành hơn 3.000 sản phẩm (trong đó gần 2.000 sản phẩm có chứa hoạt chất kháng sinh).

Kháng sinh đã bị lạm dụng trong chăn nuôi. Năm 2015, kết quả thực hiện dự án điều tra sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cho thấy 100% số cơ sở chăn nuôi có sử dụng thuốc kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh cho lợn; 68% số cơ sở có sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng; 54,5% số cơ sở chăn nuôi làm theo đơn hoặc tư vấn của cán bộ thú y; 35,84% số cơ sở tự sử dụng theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc hoặc hướng dẫn của cơ sở bán thuốc; 35,62% số cơ sở tự làm theo kinh nghiệm.

Từ tồn dư kháng sinh trong chăn nuôi…

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, những năm qua, 75% kháng sinh trong chăn nuôi được nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng không được quản lý chặt chẽ trong tiêu thụ và sử dụng. Do đó, có tình trạng nhiều loại kháng sinh cấm hoặc hạn chế sử dụng vẫn được nhập khẩu và buôn bán tự do.

Cũng vì có thể dễ dàng mua bán tự do nên để kích thích vật nuôi tăng trưởng nhanh, giảm thấp tiêu hao thức ăn, vật nuôi có bề ngoài bắt mắt, tăng lợi nhuận, nhiều trang trại đã sử dụng lượng lớn thuốc kháng sinh trộn thẳng vào thức ăn mà không cần quan tâm tới sức khỏe người tiêu dùng và nguy cơ tạo ra vi khuẩn kháng kháng sinh.

Các chuyên gia thú ý cảnh báo: các chất cấm Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamin có thể giúp vật nuôi mau lớn, chuyển hóa làm tiêu mỡ, tăng khối lượng cơ, làm màu thịt đỏ tươi hơn nhưng gây ra tác hại khó lường với sức khỏe con người. Theo Hội KHKT Thú y Việt Nam, khi phân tích 143 mẫu thức ăn chăn nuôi, 143 mẫu thịt và 30 mẫu gan lợn tại 5 tỉnh Nam Định, Thái Bình, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy hàm lượng kháng sinh Sulfadimidin cao trong thức ăn chăn nuôi và trong mẫu thịt lợn.

… đến kháng kháng sinh và ngộ độc ở người

Trong thời gian qua, mặc dù đã có sự nỗ lực vào cuộc của cơ quan chức năng, song vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn là mối quan tâm của công đồng, trong đó tình trạng sử dụng hóa chất, kháng sinh, các loại chất cấm trong trồng trọt chăn nuôi vẫn diễn ra, đe đọa sức khỏe, gây ra những vụ ngộ độc tập thể và là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ngộ độc thực phẩm, cũng là vấn nạn thực phẩm bẩn đáng báo động hiện nay.

Các chất cấm Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamin - còn gọi là chất tạo nạc - có rất nhiều tác dụng phụ có hại nghiêm trọng như gây hội chứng ngộ độc cho lợn và người ăn thịt lợn chứa chất tạo nạc như tim đập nhanh, tăng hoặc hạ huyết áp, run tay chân, đau cơ, buồn nôn, ói, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nhiễm trùng hô hấp…

Sulfadimidin là loại kháng sinh dùng chung cho cả người và động vật. Việc thịt lợn có tồn dư kháng sinh Sulfadimidin gây nguy cơ kháng thuốc rất cao khi dùng kháng sinh này điều trị cho người.

Chi cục thú y và chăn nuôi Hà Nội đề suất nhiều giải pháp xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Các chuyên gia cảnh báo: khi tiêu thụ thực phẩm tồn dư kháng sinh có thể phá vỡ cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật đường ruột gây rối loạn quá trình tiêu hóa, đồng thời tạo ra thể vi sinh vật kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác điều trị nhiễm khuẩn, làm giảm sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Đặc biệt, một số kháng sinh, hóa dược có thể gây ung thư hoặc các bệnh nghiêm trọng khác trong gan, thần kinh, hệ tiêu hóa, tim, v.v…

Lộ trình cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi từ 43 loại cắt giảm chỉ còn 15 loại và cũng chỉ được phép sử dụng đến ngày 31/12/2017. Từ năm 2018, chỉ cho phép sử dụng kháng sinh trong phòng và chữa bệnh trong chăn nuôi. Từ năm 2020 trở đi, sẽ dừng hẳn việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi.

Để giảm thiểu tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh thì cần tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi; rà soát hoàn thiện thể chế liên quan trong kiểm soát chất cấm sử dụng trong chăn nuôi; tiến hành kiểm tra, thanh tra việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở tất cả các khâu có liên quan, đồng thời phát triển các chuỗi cửa hàng, thương hiệu sản phẩm thực phẩm an toàn từ phía các nhà sản xuất, kinh doanh và nhận thức của người tiêu dùng nhằm đẩy lùi thực phẩm bẩn khỏi thị trường.

Mai Anh

Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững và đảm bảo an ninh lương thực (09:08 - 10/10/2024)
VAFoST: Chủ trì và phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia (10:14 - 25/09/2024)
Chủ tịch VAFoST dự chuỗi sự kiện tại Chi hội Trường Đại học Nông lâm – Đại học Huế (09:24 - 25/09/2024)
Thư mời tham dự Hội thảo "Chuỗi cung ứng nông nghiệp - Từ thu mua bền vững đến quản lý chất thải" (09:07 - 20/06/2024)
Tọa đàm "Công nghệ lạnh sâu, lạnh đông nhanh, sấy năng lượng mặt trời trong chế biến thủy hải sản" (15:27 - 07/09/2022)