Hội thảo tham vấn kỹ thuật xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030

15:21 - 07/09/2022

Hội thảo tham vấn kỹ thuật xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2030 tổ chức trực tuyến tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia, là tổng hợp giải pháp cho những vấn đề dinh dưỡng cần giải quyết trong giai đoạn cũ.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, trong đó có thực trạng thừa dinh dưỡng.

Hiện nay, trung bình một người Việt tiêu thụ 134 gram thịt/ngày, riêng người dân đô thị tiêu thụ 154 gram thịt/ngày. Trong khi đó, mức tiêu thụ thịt theo khuyến nghị dinh dưỡng là 50 - 80 gram/ngày. Tổ chức phòng chống ung thư thế giới khuyến cáo, mỗi người dân không tiêu thụ quá 70 gram thịt/ngày.

Trong khi tiêu thụ thịt đang thừa so với khuyến nghị, tiêu thụ rau củ quả quả tăng không đáng kể. Năm 2010, trung bình một người Việt tiêu thụ 190 gram rau/ngày và 60.9 gram quả/ngày thì tới nay tăng lên 230 gram rau/ngày và 127 gram quả/ngày. Tuy nhiên, chỉ có 65% người Việt đạt mức khuyến nghị về tiêu thụ rau quả.



Người Việt tiêu thụ thịt cao hơn rất nhiều so với khuyến nghị -Hình minh họa

Thực trạng dinh dưỡng người Việt hiện còn tồn đọng rất nhiều vấn đề. Ngoài thừa tiêu thụ thịt như nói trên, theo GS Tuyên, một vấn đề đáng quan ngại khác là tại một số tỉnh miền núi, tình trạng suy dinh dưỡng vẫn là gánh nặng lớn dù tỷ lệ suy sinh dưỡng ở trẻ em nói chung đã giảm.

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi ở một số tỉnh còn khá cao (Hà Giang 31,7%, Cao Bằng 30,4%, Kon Tum 33,4%, Gia Lai 32,%,…)

GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia phát biểu tại Hội thảo tham vấn kỹ thuật xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2030 - Ảnh: N.Liên

Đặc biệt, vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì đang rất đáng quan ngại. Năm 2010, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 5,6%, từ 5-19 tuổi là 8,5% thì hiện tại, con số này lên tới 7,4% ở trẻ dưới 5 tuổi, 19% ở nhóm tuổi 5-19 tuổi. Tình trạng này nghiêm trọng nhất ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Một loạt bệnh không lây nhiễm ở người Việt đang gia tăng như tiểu đường, ung thư, đột quỵ,… là hệ quả của chế độ ăn uống không hợp lý.

GS Tuyên cho biết, Chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021-2030 là tổng hợp giải pháp cho những vấn đề dinh dưỡng cần giải quyết trong giai đoạn cũ, bao gồm các vấn đề nói trên.

Hội thảo tham vấn kỹ thuật xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2030 tổ chức trực tuyến tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia với 63 điểm cầu đặt tại các Sở Y tế/ Trung tâm Kiếm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tại 63 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Buổi tham vấn được đánh giá rất quan trọng trong quá trình hoàn thiện chiến lược, bởi các địa phương sẽ cùng tham gia thảo luận để đưa ra hướng đi cụ thể tốt nhất.

Thời gian tới, khi chiến lược quốc gia về dinh dưỡng được phê duyệt, các tỉnh, thành phố sẽ lên kế hoạch hành động riêng để phù hợp với điều kiện, đặc điểm từng địa phương.

Theo Vietnamnet

Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững và đảm bảo an ninh lương thực (09:08 - 10/10/2024)
VAFoST: Chủ trì và phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia (10:14 - 25/09/2024)
Chủ tịch VAFoST dự chuỗi sự kiện tại Chi hội Trường Đại học Nông lâm – Đại học Huế (09:24 - 25/09/2024)
Thư mời tham dự Hội thảo "Chuỗi cung ứng nông nghiệp - Từ thu mua bền vững đến quản lý chất thải" (09:07 - 20/06/2024)
Tọa đàm "Công nghệ lạnh sâu, lạnh đông nhanh, sấy năng lượng mặt trời trong chế biến thủy hải sản" (15:27 - 07/09/2022)