Đối thoại quốc gia lần thứ nhất về xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam
14:51 - 07/09/2022
Chủ đề xuyên suốt trong chuỗi đối thoại là hướng tới việc xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Trưởng đại diện lâm thời FAO tại Việt Nam đồng chủ trì cuộc Đối thoại theo hình thức trực tuyến với đại diện các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư và các đối tác quốc tế, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp, hiệp hội và các bên có liên quan. Đây là sự kiện quan trọng nhằm chuẩn bị cho Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực thực phẩm của Liên Hợp Quốc diễn ra vào tháng 9/2021.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và bà Rana Flower - Trưởng Đại diện lâm thời FAO tại Việt Nam chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 14,85% GDP của quốc gia.
Mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nhưng nông nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,68% trong năm 2020. Ngoài đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân, kim ngạch xuất khẩu nông sản năm qua đạt 41,53 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2019. Riêng 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cao nhất thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vai trò của ngành nông nghiệp trở nên càng đặc biệt quan trọng trong điều kiện “bình thường mới” cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định: “Việt Nam sẽ làm tốt hơn, hiệu quả hơn các chương trình hành động đã ban hành của từng ngành, từng lĩnh vực trong công tác xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng ở các vùng nông thôn. Những vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng dân tộc thiểu số và nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là đối tượng phụ nữ và trẻ em sẽ được quan tâm đặc biệt. Bên cạnh đó, hỗ trợ thúc đẩy hệ thống lương thực thực phẩm thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng không chỉ cho gần 100 triệu người Việt Nam, mà còn trở thành nhà cung ứng lương thực thực phẩm minh bạch, có trách nhiệm và bền vững cho toàn cầu”.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Trưởng đại diện lâm thời FAO tại Việt Nam cho rằng, hệ thống lương thực thực phẩm liên quan đến mọi đối tượng và mọi quá trình. Hệ thống lương thực thực phẩm vận hành tốt đưa các quốc gia xích lại gần nhau hơn. Khủng hoảng gây ra bởi đại dịch COVID-19 khiến hàng triệu người trên thế giới phải trực tiếp gánh chịu hậu quả. Đối với nhiều người, những đứt gãy trong hệ thống lương thực thực phẩm khiến họ đối diện với đói nghèo và suy dinh dưỡng.
Hội nghị thượng đỉnh năm 2021 của Liên Hợp Quốc nhằm định hướng cho hệ thống lương thực thực phẩm được phát triển bền vững hơn, toàn diện hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn, tạo ra tác động đa chiều để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030. Hưởng ứng Hội nghị, các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam sẽ tổ chức các cuộc đối thoại cấp quốc gia và khu vực nhằm định hướng hành động, xây dựng lộ trình để phát triển hệ thống lương thực thực phẩm của các quốc gia theo hướng bền vững trong bối cảnh “bình thường mới”.
Theo đó, Bộ NN&PTNT (thay mặt Chính phủ Việt Nam) sẽ tổ chức 2 cuộc đối thoại quốc gia và 3 đối thoại cấp vùng từ nay đến ngày 15/7 theo hình thức trực tuyến. Chủ đề xuyên suốt trong chuỗi đối thoại là hướng tới việc xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.
Theo Báo chính phủ